Điều trị tràn dịch khớp gối thể nhẹ , bằng phương pháp châm cứu
Nguyên nhân của tràn dịch khớp gối
- Tràn dịch khớp gối do các bệnh về khớp gối như: Viêm khớp gối, gout, viêm khớp , thoái hóa khớp gối...
- Tràn dịch khớp gối do thừa cân , béo phì.
- Tràn dịch khớp gối do chấn thương, thường là các dạng như tai nạn lao động, tai nạn giao thông hoặc chấn thương khi chơi thể thao.
- Tràn dịch khớp gối do vi sinh vật, chẳng hạn như virus, lao, hoặc một số trường hợp do nấm.
- Tràn dịch khớp gối không xác định được nguyên nhân. Trường hợp này thường xuất phát từ yếu tố miễn dịch hoặc yếu tố di truyền.
Hiện nay, tràn dịch khớp gối khá phổ biến, có thể gặp ở nhiều độ tuổi khác nhau. Triệu chứng rõ rệt nhất có thể thấy ở người bị tràn dịch khớp gối là đau, sưng. Tùy mức độ bệnh và nguyên nhân khởi phát mà có người đau nhiều, người đau ít. Song, dù đau nhiều hay đau ít thì tràn dịch khớp gối cũng khiến người bệnh khó chịu và gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống cũng như trong sinh hoạt. Do đó, cần điều trị sớm, dứt điểm để cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh và ngăn ngừa bệnh diễn tiến theo tình trạng không mong muốn.
Trong Đông y, tràn dịch khớp gối thuộc chứng tý hoặc phong thấp. Về cơ chế, bệnh khởi phát do kinh mạch bế tắc (có thể do sức đề kháng kém khiến cơ thể không chống lại được các tác nhân bên ngoài, ảnh hưởng đến sự vận hành khí huyết gây tắc nghẽn làm dịch bị bế tắc tràn ta ngoài), hoặc do vấn đề bệnh lý từ các cơ quan nội tạng, có thể là do các vấn đề từ thận, tuổi tác, hoặc nội thương hoặc làm việc quá sức.
Châm cứu – phương pháp điều trị tràn dịch khớp gối không dùng thuốc
Từ xa xưa, châm cứu đã được coi là một phương pháp điều trị bệnh hiệu quả mà không dùng đến thuốc. Theo đó, bác sĩ phải là người nắm rõ hệ thống kinh mạch và huyệt trên cơ thể bởi hệ thống kinh mạch, huyệt và các cơ quan lục phủ ngũ tạng đều có mối liên hệ với nhau.
"Điều trị tràn dịch khớp gối không quá khó nhưng để điều trị triệt để thì cần phải xác định đúng thể bệnh, nguyên nhân bệnh, xây dựng liệu trình điều trị phù hợp với từng người. Người thầy thuốc phải xác định đúng những huyệt liên quan để thực hiện tạo tác châm cứu. Châm cứu có tác dụng giảm đau hiệu quả khi bệnh ở thể nhẹ. Mặt khác, lại không bị tác dụng phụ nhờ cơ chế tác động vào huyệt, làm sản sinh endorphin khiến người bệnh cảm thấy dễ chịu, không còn đau đớn".
Tùy thể bệnh mà bác sĩ đưa ra cách châm cứu khác nhau cho mỗi bệnh nhân.
- Trường hợp tràn dịch khớp gối phong hàn thấp phạm quan tiết, người bệnh sẽ đau đột ngột, tê nặng mỏi, phù vùng khớp đau, cứng khớp và đau nhiều về đêm hoặc khi vân động.
Phép trị trong trường hợp này là: Khu phong tán hàn trừ thấp, thông kinh hoạt lạc.
Thực hiện châm cứu tại các huyệt: Độc tỵ, tất nhãn, âm lăng tuyền, dương lăng tuyền, huyết hải. Tùy bệnh nhân mà gia huyệt phong long trừ thấp.
- Trường hợp tràn dịch khớp gối do thận khí hư với triệu chứng đau âm ỉ và mỏi khớp gối, phù nhẹ ở khớp gối hoặc cẳng chân. Người bệnh không muốn hoạt động hoặc đau hơn khi vận động nhiều.
Phép trị trong trường hợp này là ôn bổ thận dương, bổ cốt tủy.
Thực hiện châm cứu tại các huyệt: Dương lăng tuyền, âm lăng tuyền, độc tỵ, huyết hải, tất quan. Có thể gia thêm châm bổ tam âm giao, mệnh môn dưỡng thận, tủy cốt dưỡng xương cốt.
Thời gian châm cứu thường diễn ra trong khoảng 15-20 phút.
Lưu ý: Việc xác định đúng huyệt là vô cùng quan trọng, kỹ thuật cũng đòi hỏi sự chuẩn xác, do đó, bệnh nhân tuyệt đối không được tự thực hiện hoặc nhờ người không đủ chuyên môn thao tác châm cứu.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả điều trị tràn dịch khớp gối, bệnh nhân có thể kết hợp các bài tập nhẹ nhàng, phù hợp và luôn đảm bảo chế độ dinh dưỡng lành mạnh.