Suy giãn tĩnh mạch chân: Dấu hiệu và cách điều trị hiệu quả
Suy giãn tĩnh mạch chân là gì?
Giãn tĩnh mạch chân (suy giảm tĩnh mạch chi dưới) là sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân. Do đó dẫn đến hiện tượng máu ứ đọng lại sẽ gây ra những biến đổi về huyết động và biến dạng tổ chức mô xung quanh.
Khi bị giãn tĩnh mạch chân, chúng ta có thể quan sát được hiện tượng mạch máu nổi rõ trên bề mặt da giãn lớn, phình to và đau nhức khi chạm vào.
Khi bị giãn tĩnh mạch chân, chúng ta có thể quan sát được các mạch máu nổi rõ trên bề mặt da
Nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch chân
Máu được vận chuyển từ các bộ phận của cơ thể về tim bằng hệ thống tĩnh mạch, trong đó có những van một chiều giúp ngăn máu trào ngược.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau như di truyền, tuổi tác, nghề nghiệp mà các van này có thể bị suy yếu hoặc hư hại. Dẫn đến ứ đọng máu trong tĩnh mạch, làm tăng áp lực và gây giãn nở, uốn cong các tĩnh mạch dưới da.[1]
3 Yếu tố làm tăng nguy cơ suy giãn tĩnh mạch chân
Bệnh suy giãn tĩnh mạch chân là bệnh lý phổ biến ở cả nam và nữ, trong đó nữ giới chiếm 70% các trường hợp. Các yếu tố nguy cơ gây suy giãn tĩnh mạch bao gồm:
- Thói quen sinh hoạt và làm việc: thường gặp ở người phải đứng hay ngồi một chỗ lâu, ít vận động khiến cho máu hạn chế lưu thông. Từ đó gia tăng áp lực cho các tĩnh mạch ở chân và dẫn đến tổn thương các van tĩnh mạch.
- Phụ nữ mang thai: sự phát triển nhanh chóng về kích thước của thai nhi trong 3 tháng cuối của thai kỳ có thể đè ép vào hệ thống tĩnh mạch chi dưới, ngăn cản máu trở về tim và ứ đọng lại gây suy giãn tĩnh mạch chân.
- Tuổi tác: suy giãn tĩnh mạch chân thường gặp ở người già do sự suy yếu, lão hóa gây giảm tính đàn hồi của thành mạch.
- Béo phì : do trọng lượng cơ thể quá lớn gây gia tăng áp lực cho hệ thống tĩnh mạch chi dưới.
- Chế độ ăn uống không hợp lý: ăn nhiều dầu mỡ, ít chất sơ và vitamin gây ra tổn thương thành mạch máu như xơ vữa động mạch, tĩnh mạch làm cản trở sự tuần hoàn máu trong cơ thể dẫn đến suy giãn tĩnh mạch chân.
- Giãn tĩnh mạch bẩm sinh: thường phát hiện từ khi còn nhỏ do sự khiếm khuyết bẩm sinh của van tĩnh mạch chân.
Các giai đoạn tiến triển của suy giãn tĩnh mạch chân
Tùy theo kích thước của tổn thương, các ảnh hưởng về huyết động và cấu trúc chi dưới mà bệnh suy giãn tĩnh mạch chân được chia thành 6 giai đoạn khác nhau:
- Giai đoạn 1 (C1): đây là giai đoạn đầu tiên và nhẹ nhất của bệnh với các tổn thương giãn tĩnh mạch hình mạng nhện hay mạng lưới.
- Giai đoạn 2 (C2): kích thước của một tĩnh mạch chân dưới da bị giãn trên 3mm.
- Giai đoạn 3 (C3): chân có giãn tĩnh mạch bắt đầu bị phù cứng do máu bị ứ trệ nhiều. Triệu chứng phù sẽ rõ hơn vào buổi chiều, sau khi người bệnh đứng hoặc ngồi lâu.
- Giai đoạn 4 (C4): có sự biến đổi cấu trúc da và mô dưới da như thay đổi màu sắc (đỏ thẫm hoặc xanh tím), người bệnh hay bị tê bì cẳng chân và bàn chân.
- Giai đoạn 5 (C5): xuất hiện các vết loét có thể tự lành trong vài tuần nhưng thường xuyên tái phát
- Giai đoạn 6 (C6): các tổn thương loét trên da không thể lành có thể ăn sâu vào tổ chức cơ bên dưới hoặc gây hoại tử lan rộng ra xung quanh.
Dấu hiệu
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới ở giai đoạn sớm thường có các biểu hiện mơ hồ khiến người bệnh ít khi để ý đến.Tuy nhiên, một số người bệnh có thể cảm thấy:
- Tức nặng chân.
- Giày dép bị chật hơn bình thường.
- tê bì , chuột rút chân vào ban đêm.
- Vùng da chân xuất hiện những mạch máu nhỏ khoảng 1mm, màu tím hoặc đỏ.
- Phù quanh mắt cá chân, cẳng chân nếu bệnh ở giai đoạn tiến triển.
- Các búi giãn tĩnh mạch tăng về kích thước, nổi phồng dưới da gây đau nhức khi chạm vào.
Biến chứng nguy hiểm
Nếu để suy giãn tĩnh mạch chân tiến triển mà không điều trị có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm và khó chịu cho người bệnh:
- Cơn đau nhức, nặng mỏi, tê cứng vùng chân nặng dần theo thời gian, nhất là khi đi lại hoặc ngồi quá lâu.
- Các tĩnh mạch giãn lớn quá mức gây vỡ khiến chảy máu và hình thành mảng bầm lớn ở chân.
- Viêm tắc tĩnh mạch sâu dẫn đến hình thành cục máu đông và có thể gây tắc các động mạch chính làm thiếu máu, hoại tử đầu chi.
- Nhiễm trùng vết loét của suy tĩnh mạch mạn tính do sự bội nhiễm của vi khuẩn.
Dấu hiệu bầm tím chân có thể gặp do vỡ búi giãn tĩnh mạch chân
Cách chẩn đoán
Để chẩn đoán bệnh suy giãn tĩnh mạch chân, bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng, kết quả khám bệnh và các cận lâm sàng bổ trợ:[2]
- Khám lâm sàng: bác sĩ sẽ hỏi về các yếu tố nguy cơ của bệnh nghề nghiệp, thói quen sinh hoạt, diễn biến các triệu chứng. Ngoài ra, việc quan sát và sờ nắn vùng tổn thương có thể giúp bác sĩ chẩn đoán được giai đoạn bệnh.
- Siêu âm Doppler mạch máu chi dưới: giúp bác sĩ đánh giá được sức bền thành mạch và hệ thống van tĩnh mạch chi dưới cũng như vận tốc dòng chảy hoặc các huyết khối tĩnh mạch sâu gây biến chứng.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Một khi đã xuất hiện các búi giãn tĩnh mạch chân thì rất khó tự khỏi. Do đó, người bệnh nên đi khám càng sớm càng tốt nếu có các dấu hiệu:
- Thường xuyên cảm thấy tức mỏi chân, nặng chân khi đứng lâu hoặc ngồi nhiều.
- Thấy giày, dép bị chật hơn bình thường hay phù chân.
- Chuột rút và tê bì tay chân về đêm.
- Nhìn thấy các mạch máu nhỏ, màu tím dưới da.
- Xuất hiện các búi giãn tĩnh mạch nổi phồng và đau khi chạm vào.
Người thường xuyên tê bì, chuột rút trong đêm nên đến khám bác sĩ sớm
Nơi khám chữa suy giãn tĩnh mạch chân
Nếu gặp các dấu hiệu như trên, bạn có thể đến ngay các cơ sở y tế gần nhất, các phòng khám hay bệnh viện chuyên khoa Nội. Hoặc bất kỳ bệnh viện đa khoa nào tại địa phương để được thăm khám kịp thời.
Ngoài ra, có thể tham khảo một số bệnh viện lớn, uy tín dưới đây để được chẩn đoán và tư vấn điều trị phù hợp, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra:
- Tại Tp. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.
- Tại Hà Nội: Bệnh viện Quân đội Trung ương 108, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Các phương pháp chữa suy giãn tĩnh mạch chân
Căn cứ vào các giai đoạn, thời gian tiến triển của bệnh và các biến chứng kèm theo, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch chân khác nhau.
Điều trị nội khoa
Phương pháp điều trị nội khoa thường đem lại hiệu quả điều trị cao khi suy giãn tĩnh mạch chân ở giai đoạn đầu, tiến triển chậm. Bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc như:
- Thuốc gia tăng sức bền thành mạch.
- Thuốc chống hình thành huyết khối.
Thay đổi lối sống
Việc thay đổi chế độ sống và sinh hoạt có thể làm giảm các triệu chứng gây khó chịu của bệnh và giảm nguy cơ xuất hiện biến chứng. Người bệnh có thể thực hiện:
- Kê cao chân khi ngủ để giúp máu được trở về tim dễ dàng hơn.
- Tránh giữ nguyên một tư thế trong thời gian dài.
- Thực hiện động tác gấp duỗi cẳng chân nếu phải đứng và ngồi làm việc lâu.
- Giảm cân kgoa học theo hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng nếu người bệnh bị béo phì hoặc thừa cân.
Dùng vớ y khoa
Ngoài ra, người bệnh có thể dùng vớ y khoa để gia tăng hiệu quả điều trị bệnh. Các loại vớ y khoa thường có mức độ bó sát nhất định vào cẳng chân, vùng đùi giúp hỗ trợ việc tuần hoàn máu, giảm áp lực cho tĩnh mạch.