1. Cơ chế hình thành các dấu hiệu kinh nguyệt đến
Mỗi tháng, một quả trứng trưởng thành sẽ được phóng ra từ một trong hai buồng trứng ở hai bên hố chậu. Lớp niêm mạc tử cung đồng thời dày lên để chuẩn bị cho việc mang thai và làm tổ của thai nhi.
Tuy nhiên, nếu trứng không gặp tinh trùng - tức không xảy ra thụ thai, nồng độ estrogen và progesterone sẽ giảm đột ngột. Lúc này, hiện tượng bong tróc nội mạc tử cung xảy ra, dẫn đến tình trạng chảy máu kinh nguyệt qua âm đạo kéo dài từ 2 đến 7 ngày.
Mặc dù chu kỳ kinh nguyệt bình thường kéo dài 28 ngày nhưng mỗi phụ nữ có thể có độ dài chu kỳ khác nhau. Một số trường hợp có thể có chu kỳ ngắn hơn hoặc dài hơn bình thường.
Hơn nữa, chu kỳ kinh nguyệt còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều tác nhân khác, bao gồm:
-
Thuốc tránh thai.
-
Mang thai.
-
Cho con bú.
-
Rối loạn tiêu hoá.
-
Tập thể dục quá sức.
-
Giảm cân.
Kinh nguyệt thường xuất hiện lần đầu ở các bé gái trong độ tuổi từ 8 đến 15. Ban đầu, chu kỳ kinh có thể dài hơn 38 ngày. Tuy nhiên, theo thời gian, chu kỳ sẽ dần hoàn chỉnh và ổn định hơn.
Ngoài ra, khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh (khoảng 40 tuổi), chu kỳ kinh nguyệt sẽ không đều đặn một lần nữa. Sau kỳ mãn kinh, chu kỳ kinh nguyệt chính thức kết thúc và khả năng sinh sản của người phụ nữ sẽ không còn.
2. Dấu hiệu sắp tới chu kỳ kinh nguyệt
Kinh nguyệt diễn ra theo chu kỳ tháng và độ dài chu kỳ của mỗi người là khác nhau. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận biết được những dấu hiệu báo hiệu "đèn đỏ" sắp ghé thăm. Dưới đây là một số dấu hiệu sắp tới chu kỳ kinh nguyệt phổ biến nhất, hình thành do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể phụ nữ:
2.1 Đau bụng kinh, thống kinh
Đau bụng kinh hay thống kinh là một trong những dấu hiệu sắp tới chu kỳ kinh nguyệt phổ biến nhất. Tình trạng này là những cơn co thắt, đau nhói ở vùng bụng dưới.
Mức độ đau bụng kinh ở mỗi phụ nữ là khác nhau, từ âm ỉ đến dữ dội, thậm chí khiến nhiều phụ nữ phải nằm nghỉ một chỗ thường xuyên.
Nguyên nhân gây đau bụng kinh là do lớp cơ tử cung co thắt và giãn ra liên tục để loại bỏ lớp nội mạc tử cung khi không có thai. Nói cách khác, đây là cách cơ thể đào thải lớp niêm mạc ra ngoài qua âm đạo.
2.2 Đau cơ
Ngoài cảm giác đau bụng, người phụ nữ còn có thể bị đau nhức cơ bắp, dẫn đến tình trạng mệt mỏi toàn thân.
2.3 Đau khớp
Estrogen đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát cơn đau khớp. Tuy nhiên, nồng độ estrogen trong cơ thể phụ nữ lại có xu hướng giảm mạnh ngay trước kỳ kinh nguyệt. Sự sụt giảm đột ngột này chính là nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng các cơn đau khớp ở nhiều vị trí khác trong cơ thể.
2.4 Phù
Trước kỳ kinh, do sự thay đổi nội tiết tố, cơ thể phụ nữ có thể giữ nước nhiều hơn ở các vùng mô liên kết lỏng lẻo, khiến cơ thể cảm thấy thêm nặng nề.
2.5 Đau vùng lưng dưới
Đau lưng dưới trước kỳ kinh nguyệt thường xuất phát từ những cơn chuột rút ở vùng hạ vị, khiến phụ nữ cảm thấy cơn đau nhức ở vùng thắt lưng.
Đau vùng lưng dưới là một trong các dấu hiệu trước khi có kinh nguyệt.
2.6 Đau đầu
Sự sụt giảm đột ngột nồng độ estrogen trước chu kỳ kinh nguyệt dẫn đến hàm lượng hormone serotonin trong não cũng bị suy giảm. Hệ quả là các mạch máu co lại, gây ra các cơn đau đầu liên quan đến kinh nguyệt như đau nữa đầu và đau đầu căng cơ.
2.7 Ngực to ra và căng hơn
Nồng độ hormone thay đổi trước kỳ kinh nguyệt là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau, sưng, căng tức ngực và tăng nhạy cảm vùng nhũ hoa. Để mang lại cảm giác thoải mái và dễ chịu suốt ngày dài, các chị em nên ưu tiên lựa chọn những chiếc áo lót có kiểu dáng rộng rãi, thoáng mát.
2.8 Khí hư tiết ra nhiều hơn
Đây là hiện tượng sinh lý hoàn toàn bình thường ở phụ nữ khi "đèn đỏ" sắp đến. Nguyên nhân là do sự thay đổi hormone estrogen và progesterone, khiến lượng chất nhầy tại cổ tử cung tăng lên, dẫn đến tình trạng khí hư ra nhiều hơn so với bình thường.
Tuy nhiên, chị em cần lưu ý vệ sinh vùng kín cẩn thận và sạch sẽ trong giai đoạn này để phòng tránh nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa.
2.9 Da nổi mụn trứng cá
Da nổi mụn trứng cá là một trong những dấu hiệu sắp tới chu kỳ kinh nguyệt. Nguyên nhân là do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể, dẫn đến việc tuyến bã nhờn trên da sản xuất nhiều dầu hơn, gây tắc nghẽn lỗ chân lông và tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, hình thành mụn trứng cá.
2.10 Mệt mỏi, mất ngủ
Trước kỳ kinh nguyệt, sự thay đổi nội tiết tố tác động lên não bộ, làm ảnh hưởng đến sự bài tiết các chất hoá học trong não, gia tăng cảm giác mệt mỏi ở phụ nữ. Bên cạnh đó, tình trạng này cũng tác động đến chất lượng giấc ngủ, dẫn đến tình trạng uể oải, mệt mỏi kéo dài.
2.11 Giảm ham muốn tình dục
Trước ngày rụng trứng, cơ thể phụ nữ tràn đầy năng lượng và gia tăng nhu cầu sinh lý. Tuy nhiên, trước kỳ kinh nguyệt, mọi thứ lại đảo ngược do chị em cảm thấy mệt mỏi, uể oải, thậm chí bực bội. Bên cạnh đó, niêm mạc âm đạo cũng trở nên khô ráo, thiếu chất bôi trơn, dẫn đến giảm đi ham muốn.
2.12 Hoa mắt và chóng mặt
Nhiều chị em phụ nữ thường cảm thấy hoa mắt, chóng mặt trong giai đoạn trước kỳ kinh nguyệt. Đây là một hiện tượng sinh lý bình thường do sự biến đổi nội tiết tố sinh dục nữ, khiến cơ thể chưa kịp thích nghi.
2.13 Cảm giác thèm ăn
Dấu hiệu thèm ăn trước kỳ kinh nguyệt thường bị bỏ qua bởi nhiều chị em nhưng đây là một dấu hiệu khá phổ biến. Cụ thể, nhiều người cảm thấy thèm đồ ngọt, thức ăn mặn, carbohydrate hoặc có nhu cầu ăn vặt nhiều hơn bình thường.
2.14 Thân nhiệt tăng nhẹ
Một số phụ nữ có thể nhận thấy thân nhiệt tăng nhẹ (khoảng 0,3 - 0,5 độ) trước kỳ kinh nguyệt, do sự thay đổi nội tiết tố trong quá trình rụng trứng. Tuy nhiên, đây chỉ là sự gia tăng nhẹ và không kéo dài. Nếu thấy sốt cao, đây không phải là dấu hiệu sắp có kinh nguyệt và chị em nên đi khám bác sĩ để loại trừ các nguyên nhân tiềm ẩn khác.
2.15 Dấu hiệu sắp tới chu kỳ kinh nguyệt rõ nhất - Hội chứng tiền kinh nguyệt
Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) là tập hợp các triệu chứng về thể chất và cảm xúc bất thường mà phụ nữ trải qua trong những ngày trước kỳ kinh nguyệt. Ngoài những dấu hiệu sắp có kinh nguyệt phổ biến như đau bụng, đầy hơi, mệt mỏi, phụ nữ cũng có thể bị thay đổi tâm trạng như:
-
Cáu kỉnh, khó chịu.
-
Lo lắng, u sầu.
-
Dễ bực bội, tức giận.
-
Mất hứng thú với việc giao tiếp.
-
Nhạy cảm, dễ tủi thân, dễ khóc.