Tình trạng đau sau khi châm cứu
Châm cứu là gì?
Y học cổ truyền cho rằng, bên trong con người tồn tại hệ thống kinh mạch giống như sông, ngòi, kênh, rạch chạy khắp cơ thể giúp khí huyết vận hành. Đồng thời, hệ thống kinh mạch cũng là nơi bệnh lý hình thành và thông qua kinh mạch người thầy thuốc sử dụng để điều trị bệnh.
Những Danh Y và Y sư từ xa xưa đã nghiên cứu, ghi chép và phát triển châm cứu nhằm mục đích điều trị bệnh. Châm cứu là phương pháp sử dụng kim châm vào vị trí huyệt trên kinh mạch đang có bệnh. Khi kích thích huyệt đạo của người bệnh là người thầy thuốc khơi thông kinh mạch đang có bệnh, từ đó, bệnh tật thoái lui.
Tình trạng đau sau khi châm cứu
Nguyên nhân
Người bệnh cần phân biệt cảm giác đau và cảm giác thốn, tức khi châm cứu.
Cảm giác đau
Thường xuất hiện khi kim châm vừa qua da. Vì da là cơ quan xúc giác của cơ thể, ở đây tập trung nhiều thần kinh cảm giác với rất nhiều thụ thể. Tuy nhiên, cảm giác đau hết nhanh khi thao tác của thầy thuốc châm qua da nhanh.
Cảm giác thốn, tức tại vị trí châm
Đây là cảm giác khi châm cứu vào huyệt đạt đắc khí. Đắc khí được cho là quan trọng và là điều kiện tiên quyết trong hiệu quả điều trị, đồng thời cũng là một yếu tố quan trọng trong chẩn đoán thịnh suy của kinh khí và tiên lượng điều trị bệnh. Mức độ cảm giác thốn, tức tùy thuộc vào vị trí huyệt, tình trạng bệnh lý và thao tác của người thầy thuốc.
Cách xử trí
Sau châm cứu, người bệnh cần nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng, hạn chế tác động vào vùng cơ thể điều trị.
Nếu cảm giác đau gây khó chịu thì có thể xoa, day nhẹ nhàng vùng đau.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Sau khi rút kim châm cứu, người bệnh có thể còn thấy khó chịu và đau tức tại vị trí kim châm, nhưng cảm giác này thường biến mất trong 24 giờ.
Nếu mức độ triệu chứng đau tại vị trí châm tăng thêm hoặc kéo dài hơn 24 giờ thì bệnh nhân cần liên hệ với nơi điều trị.
Những biến chứng khác có thể gặp sau khi châm cứu
Trong quá trình tìm hiểu về tình trạng đau sau khi châm cứu, hãy cùng điểm qua những biến chứng người bệnh có thể gặp. Điều trị bằng châm cứu giống như nhiều phương pháp điều trị khác. Nếu lạm dụng quá nhiều lần sẽ gây ra tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, bệnh nhân cần tuân thủ châm cứu theo đúng liệu trình mà bác sĩ chỉ định.
Thông thường, liệu trình châm cứu khoảng 10 – 15 lần châm. Tùy theo sự tiến triển trong điều trị bệnh, thầy thuốc có thể kéo dài hoặc rút ngắn liệu trình. Người bệnh không nên tự ý ngưng điều trị.
Người thầy thuốc luân phiên các huyệt để người bệnh không bị châm nhiều lần vào một huyệt gây đau, khó chịu… Những tác hại khi châm cứu hiếm khi xảy ra và không quá nghiêm trọng.
Vựng châm
Vừa châm kim, người bệnh bỗng nhiên cảm thấy hoa mắt, buồn nôn, tay chân lạnh, vã mồ hôi, tụt huyết áp, có khi bị ngất. Nguyên nhân có thể do suy nhược, sợ hãi, dễ kích động, đói hoặc do châm cứu quá đau, kích thích kim quá mạnh… Đối với người châm lần đầu, sức yếu, mệt, đói… nên cho nghỉ 15 phút trước khi châm, không nên quá đói hoặc quá no. Với người suy nhược, dễ xúc động, nhạy cảm, ngưỡng chịu đau thấp, người thầy thuốc cần giải thích trước khi tiến hành châm để bệnh nhân an tâm.
Chảy máu, bầm tím
Khi rút kim có chảy máu thầy thuốc sẽ cầm máu ngay lập tức, thường ít khi chảy máu trong châm cứu, nếu có thì lượng chảy máu khá ít. Nếu người bệnh có bệnh lý về đông máu hoặc đang dùng thuốc kháng đông cần thông báo cho người thầy thuốc. Thỉnh thoảng, vết bầm xuất hiện tại vị trí châm kim, người bệnh không nên quá lo lắng, cần chườm ấm sẽ mau khỏi.
Phỏng, nóng rát
Xảy ra trong quá trình hơ ngải cứu do hơi nóng, sự cẩn thận trong điều trị của thầy thuốc giúp hạn chế được tình trạng này.
Lưu ý, kiêng cử khi châm cứu
Trước khi châm
Châm cứu thường không kiêng cữ trước khi châm. Người bệnh châm cứu không nên ăn quá no (tránh bị nôn ói), không nên quá đói hoặc nhịn đói (tránh vượng châm), không sử dụng chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá trước châm cứu.
Thầy thuốc sẽ có chỉ định kiêng thức ăn tùy theo thể bệnh lý nền đang có của người bệnh cũng như cách châm cứu khác nhau.
Đối với phương pháp cấy chỉ và phương pháp thủy châm thì người bệnh cần tắm sạch sẽ trước khi đến châm cứu.
Trong quá trình châm cứu
Châm cứu thường không kiêng cữ trong khi châm. Người bệnh cần thư giãn, thả lỏng cơ thể và hợp tác theo hướng dẫn của người thầy thuốc để châm cứu có hiệu quả.
Sau khi châm cứu
Tùy theo trường hợp sử dụng phương pháp châm cứu cụ thể, người thầy thuốc yêu cầu người bệnh kiêng cữ sau khi châm cứu.
Ví dụ: Phương pháp cấy chỉ và thủy châm thường sử dụng kim có đường kính lớn hơn kim châm cứu bình thường nên sau khi tiến hành phương pháp cấy chỉ và thủy châm, người bệnh nên kiêng tắm trong 01 ngày để tránh nhiễm nước vào lỗ kim.
Hoặc người bệnh vừa được thầy thuốc hơ hoặc xông ngải cứu vì chứng bệnh do lạnh (hàn chứng) thì cần giữ ấm, tránh gió lạnh, ăn thức ăn, thức uống ấm nóng để duy trì hiệu quả của phương pháp cứu.
Hoặc người bệnh được châm cứu điều trị trong bệnh lý thoái hóa khớp thì cần hạn chế gây hại khớp như ngồi xổm, ngồi xếp bằng, ngồi lâu v.v…
Người bệnh sau châm cứu cần nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng, hạn chế tác động mạnh lên vùng cơ thể đang điều trị. Những lưu ý này nhằm mục đích giảm đau sau khi châm cứu.
Châm cứu ngày càng được sử dụng rộng rãi và được công nhận hiệu quả trên toàn thế giới. Quý bạn đọc quan tâm, mong muốn điều trị bệnh bằng phương pháp châm cứu nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa Y học cổ truyền để được khám, tư vấn thích hợp.