Các dấu hiệu nhận biết chèn ép rễ thần kinh do thoát vị đĩa đệm lưng
1. Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm thắt lưng
Thoát vị đĩa đệm thường là kết quả của quá trình lão hóa. Khi bạn già đi, nhân đĩa đệm sẽ mất dần nước. Điều này khiến chúng trở nên cứng hơn, dễ gãy và rạn, thậm chí chỉ với một cú xoay hoặc vươn người cũng có thể đĩa đệm bị tổn thương.
Ngoài ra, mang vác vật nặng không đúng cách hoặc bị va chạm mạnh ở vùng lưng cũng là nguyên nhân của bệnh này.
2. Biến chứng của thoát vị đĩa đệm thắt lưng
Thoát vị đĩa đệm thắt lưng tuy không ảnh hưởng tới tính mạng nhưng gây khó khăn trong cuộc sống người bệnh.
2.1 Gây rối loạn vận động
Thoát vị đĩa đệm gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cột sống, từ đó khả năng vận động bị ảnh hưởng. Những cơn đau kéo dài âm ỉ dọc sống lưng, thắt lưng rồi kéo tới đùi và chân khiến bệnh nhân khó khăn trong sinh hoạt, di chuyển, lao động và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nếu không điều trị tích cực và đúng cách thì có thể dẫn tới nguy cơ bị teo cơ chân, mất khả năng đi lại.
2.2 Ảnh hưởng tới rễ dây thần kinh
Ngoài mất đi khả năng vận động vùng cột sống lưng như đã đề cập ở trên, bệnh thoát vị đĩa đệm còn gây ảnh hưởng đến khả năng vận động của chân do đau các rễ thần kinh. Chủ yếu, nguyên nhân gây ra đau rễ dây thần kinh là do các dây thần kinh bị chèn ép lâu ngày không được giải phóng.
2.3 Rối loạn đại tiểu tiện
Thoát vị đĩa đệm khiến các đốt sống có thể bị lệch ra khỏi vị trí ban đầu, từ đó ảnh hưởng tới rối loạn cơ tròn, biến chứng rõ ràng nhất đó là sự rối loạn tiểu tiện
Có thể bệnh nhân sẽ bị mất tự chủ trong quá trình đi tiểu tiện và đại tiện như hiện tượng bí tiểu, đái dầm hoặc sự rỉ ra của nước tiểu không chủ đích.
2.4 Rối loạn về cảm giác
Những nơi trên cơ thể bị ảnh hưởng của rễ dây thần kinh thì sẽ khiến bệnh nhân có thể bị mất cảm giác ở đó. Ngoài ra, có những vùng da bị nóng lạnh bất chợt, chứng tê bì tay chân khiến vận động trở nên khó khăn.
2.5 Gây teo cơ và bại liệt
Như đã nói ở trên, biến chứng thoát vị đĩa đệm có thể khiến bệnh nhân mất đi cảm giác và rối loạn khả năng vận động. Do đó, nguy cơ teo cơ tăng cao.
3. Dấu hiệu chèn ép rễ thần kinh do thoát vị đĩa đệm lưng
Các dấu hiệu, triệu chứng bệnh lý rễ thần kinh bao gồm:
- Đau lan xuống chi dưới
- Yếu vận động chi dưới
- Thay đổi cảm giác theo khoanh cảm giác da
- Giảm phản xạ gân xương
- Dấu hiệu căng rễ thần kinh dương tính
- Căng khi ấn dọc đường đi của dây thần kinh
4. Phương pháp ngăn ngừa thoát vị đĩa đệm thắt lưng hiệu quả
Những phương pháp phòng ngừa thoái hóa đĩa đệm cột sống thắt lưng hiệu quả:
- Đổi tư thế sau một khoảng thời gian làm việc để đảm bảo cho đĩa đệm được giảm áp lực. Tránh ngồi lâu trong một tư thế hay làm việc trong tư thế cúi khom người lâu. Khi thấy cơ thể đau nên nghỉ ngơi, chườm nóng hoặc thư giãn, xoa vuốt các khớp cổ lưng tay chân.
- Không khiêng vật nặng quá sức mình.
- Thường xuyên tập thể dục mỗi buổi sáng.
- Không nên đột ngột hoạt động mạnh vùng lưng thắt lưng
- Giữ tư thế đứng thẳng cho cột sống trong bất kì công việc gì kể cả mang vác, bưng bê hay giặt giũ, lái xe, bế trẻ em,...
- Kết hợp làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức để đĩa đệm được phục hồi kịp thời.
Nếu có các dấu hiệu của thoát vị đĩa đệm, hãy đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị.