Điều trị tai biến mạch máu não bằng châm cứu liệu có hiệu quả hay không
Tai biến mạch máu não để lại nhiều di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Người bệnh thường liệt nửa người, miệng méo, mắt nhắm không kín, đại tiểu tiện mất tự chủ,…
Châm cứu liệt nửa người là phương pháp được áp dụng phổ biến hiện nay với hiệu quả cao trong việc cải thiện và phục hồi sớm các di chứng tai biến.
Châm cứu liệt nửa người
Châm cứu là sử dụng kim châm để kích thích lên các huyệt đạo, nhằm mục đích đảm bảo thông kinh mạch, tái thiết lập hệ thống mạch máu, lưu thông khí huyết
Theo quan điểm của y học hiện đại, tai biến mạch máu não được định nghĩa là “dấu hiệu phát triển nhanh chóng trên lâm sàng của một hội chứng thần kinh nặng nề thường do nguyên nhân mạch máu não nằm ở cổ, tiên lượng sinh tồn cũng như tiên lượng chức năng của thần kinh tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ lan rộng của tổn thương” gây ra sự gián đoạn hệ thống thần kinh - sinh học của hệ vận động.
Châm cứu có thể tạo ra một cung vận động - phản xạ mới thông qua việc tạo kích thích và vận động theo kích thích của người bệnh. Nhờ đó, châm cứu giúp phục hồi sớm các di chứng tai biến ở người bệnh, rút ngắn thời gian hồi phục.
Ngoài ra, châm cứu còn có tác dụng thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào thần kinh ở những vùng não thiếu máu cục bộ sau tai biến, cải thiện tuần hoàn máu tại các vùng não bị tổn thương, cải thiện trí nhớ thông qua tăng cường hoạt động của các synap thần kinh tại vùng hải mã,…
Phương pháp châm cứu liệt nửa người thường sử dụng các huyệt:
- Các huyệt ở tay: Bát tà, Kiên ngung, Tý nhu, Kiên tỉnh, Hợp cốc, Khúc trì, Nội quan,…
- Các huyệt ở chân: Hoàn khiêu, Phong trì, Dương lăng tuyền, Âm lăng tuyền, Túc tam lý, Huyết hải, Phong long, Giải khê, Tam âm giao, Thái xung, Hành gian, Bát phong,…
- Các huyệt vùng đầu mặt cổ: Giáp xa, Bách hội, Hạ quan, Địa thương, Thượng liêm tuyền, Thiên đột, Nghinh hương, Toản trúc, Tình minh, Dương bạch, Ngư yêu, Ty trúc không,…
Liệu trình châm thường ngày 1 lần, lưu kim khoảng 25 - 30 phút, mỗi liệu trình từ 7 - 10 ngày, có thể châm nhiều liệu trình.
Phương pháp đầu châm vùng vận động (nếu chỉ có liệt) và vùng cảm giác (nếu có kèm rối loạn cảm giác) bên đối diện, châm nghiêng kim 30 độ, vê kim khoảng 200 lần/ phút, liên tục trong 1 - 2 phút, lưu kim 5 phút.
Thông thường châm 1 lần/ngày, châm 10 ngày liên tục thành 1 liệu trình, nghỉ 3 - 5 ngày nếu có liệu trình thứ 2.
Các hình thức châm cứu liệt nửa người khác
Ngoài châm cứu thông thường, để tăng cường hiệu quả tác động và phục hồi nhanh các di chứng sau tai biến cho người bệnh, châm cứu có thể kết hợp với các phương pháp khác như:
Điện châm
Điện châm kết hợp thực hiện ngày 1 lần, lưu kim 20 - 30 phút, kéo dài 7 - 10 lần/liệu trình. Tuỳ mức độ bệnh mà có thể tiến hành nhiều liệu trình khác nhau.
Cần chú ý sử dụng dòng điện (tốt nhất là dòng điện 1 chiều đều) và thông điện thích hợp. Thời gian của mỗi lần điều trị cần dựa vào sự tiếp thu kích thích của từng người bệnh, trong từng bệnh, từng lúc, đối với từng loại dòng điện quyết định. Nói chung cần theo dõi đánh giá tình trạng bệnh nhân sau khi châm lần thứ nhất:
- Nếu bệnh nhân không có mệt mỏi, mất ngủ,…: nên duy trì thời gian kích thích.
- Nếu bệnh nhân thấy mệt mỏi, mất ngủ,…: là do tổng lượng kích thích quá mạnh, cần giảm thời gian kích thích
Khi thực hiện điện châm, chọn huyệt tương tự châm cứu, người bệnh ở tư thế nằm nghiêng một bên hoặc nằm ngửa.
Thuỷ châm
Thủy châm là tiêm thuốc vào huyệt, thường sử dụng các loại thuốc như vitamin B (B1, B6, B12), các thuốc tăng cường tuần hoàn não, tăng cường dinh dưỡng thần kinh (cerebrolysin, citicoline, gliatilin,...) để hỗ trợ điều trị.
Các huyệt thường dùng để thuỷ châm là Giáp tích, Kiên ngung, Phong thị, Túc tam lý, giải khê,…
Mãng châm
Mãng châm là phương pháp sử dụng cây kim dài từ 10 - 30cm để châm xuyên huyệt, giúp điều hoà khí huyết của cơ thể.
Mãng châm đem lại hiệu quả cao hơn nhiều so với hào châm (châm kim ngắn) vì có thể xuyên được nhiều huyệt đạo trên một đường kinh hoặc hai đường kinh khác nhau, do đó tác dụng điều khí nhanh và mạnh hơn.
Mãng châm cho thấy hiệu quả cao trong việc cải thiện các di chứng khó nói, liệt mặt, liệt nửa người do tai biến mạch máu não,…
Tuy nhiên, mãng châm là phương pháp khó thực hiện, dễ gây biến chứng và khiến người bệnh sợ hãi. Chính vì vậy, mãng châm cần được thực hiện ở cơ sở y tế được cấp phép, bác sĩ có kinh nghiệm.
Những lưu ý khi thực hiện châm cứu liệt nửa người
- Việc thực hiện châm cứu cần phải được thực hiện tại các đơn vị y tế uy tín, đảm bảo đúng thủ thuật bởi các bác sĩ có chuyên môn cao.
- Người bệnh nên tuân thủ đầy đủ lộ trình châm cứu và không nên ngừng giữa chừng trước khi đạt được kết quả mong muốn. Do hiệu quả của châm cứu thường từ từ và yêu cầu sự kiên nhẫn và tuân thủ của người bệnh.
- Trong quá trình châm cứu, có thể xảy ra các tai biến như vựng châm (choáng, ngất), chảy máu, gãy kim,… Thầy thuốc cần kịp thời xử trí và tránh gây lo sợ cho người bệnh.
Châm cứu liệt nửa người sau tai biến mạch máu não là một trong những phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả đã được minh chứng qua nhiều nghiên cứu. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích nhất.